Lượt xem: 320

Lạc quan tình hình nuôi tôm đầu vụ

Những tháng đầu năm 2021, tình hình COVID-19 trên toàn cầu tiếp tục có những diễn biến hết sức phức tạp; điều kiện thời tiết, khí hậu cũng có những biến động khó lường. Những yếu tố trên ngỡ như sẽ gây bất lợi cho tình hình nuôi tôm đầu vụ tại tỉnh Sóc Trăng, nhưng điều đáng mừng là ngay trong khó khăn, nghề nuôi tôm tại tỉnh vẫn đạt được nhiều kết quả khá lạc quan. Dịch bệnh trên tôm được khống chế tốt, sản lượng tôm cao hơn so với cùng kỳ nhiều năm... Tất cả là những tín hiệu đáng mừng để người nuôi tôm tỉnh nhà an tâm tiến hành những đợt thả nuôi mới.

    Năm 2020, tỷ lệ thiệt hại trên tôm nuôi tại Sóc Trăng tiếp tục được khống chế dưới 02 con số; tình hình thiệt hại tuy đã giảm, nhưng vẫn còn ảnh hưởng ít nhiều đến tâm lý chung của người nuôi. Nhưng cũng từ sự lo lắng, bất an lại là chính là cơ hội làm thay đổi nhận thức của bà con nuôi tôm. Điều này được minh chứng rõ khi trong tổng số hơn 13.000 hecta thả nuôi tính đến thời điểm này thì đã có hơn 30% diện tích áp dụng mô hình nuôi tôm công nghệ cao như: Nuôi tôm lót bạt đáy, nuôi tôm trong ao tròn nổi 3 hoặc 4 giai đoạn... Tại thị xã Vĩnh Châu - một trong những vùng nuôi trọng điểm của tỉnh, diện tích nuôi tôm công nghệ cao cũng đã chiếm 742 hecta/3.919 hecta đã thả nuôi. Rõ ràng là người nuôi tôm đã có sự nhạy bén hơn trong việc chuyển đổi phương thức nuôi phù hợp, thích ứng tốt với điều kiện biến đổi khí hậu. Ưu điểm nổi bật của các mô hình này là giúp quản lý tốt môi trường ao nuôi, hạn chế rủi ro do dịch bệnh. Diện tích ao nuôi nhỏ chiếm khoảng 20 -30%, còn lại phần lớn là diện tích dành cho ao xử lý nước, chất thải nên kiểm soát tốt và chủ động nguồn nước; giúp tôm lớn nhanh và cho năng suất cao. Ông Trần Bá Thanh ở ấp Kinh Ven, phường Khánh Hòa, thị xã Vĩnh Châu - một trong những hộ nuôi tôm theo mô hình lót bạt đáy chia sẻ: “Tôi nuôi ao đất nhiều năm rồi, nhưng rủi ro cao quá nên quyết định chuyển sang mô hình nuôi lót bạt đáy. Thấy tôm phát triển tốt, nhanh lớn, kích cỡ tôm thì cũng đạt hơn so với lúc trước”.


Khảo sát tình hình thả nuôi tôm đầu vụ.

 

    Không riêng hộ nuôi nhỏ lẻ; nhiều khu nuôi tôm nguyên liệu của các công ty, doanh nghiệp thủy sản trên địa bàn tỉnh cũng là những điểm sáng cho bức tranh chung của ngành tôm Sóc Trăng ngay trong những tháng đầu năm. Đơn cử như tại khu nuôi của Công ty cổ phần Thủy sản sạch; với tổng diện tích 130 hecta, gồm 236 ao nuôi; tuân thủ đúng khung lịch thời vụ đã được ngành chuyên môn khuyến cáo; trong vụ nuôi đầu tiên của năm 2021, Công ty đã tiến hành thả nuôi đồng loạt với mật độ 300 con/01 mét vuông. Đến nay, khu nuôi cũng đã tiến hành thu hoạch 17 ao với sản lượng trung bình mỗi ao đạt từ 8 đến 10 tấn. Nhờ thực hiện 02 hình thức nuôi chủ yếu là nuôi tôm lót bạt đáy và nuôi tôm trong ao tròn nổi cùng sự chuẩn bị kỹ lưỡng trong công tác cải tạo ao và xử lý nước mà thiệt hại trên tôm nuôi không đáng kể, tỉ lệ sống đạt 100%. Theo mục tiêu ban đầu, công ty phấn đấu đạt sản lượng tôm nuôi là 1.600 tấn trong vụ nuôi đầu; thì hiện nay, lượng tôm thu được đã vượt xa kế hoạch đề ra, size tôm đạt từ 20 đến 25 con/kg. Ông Nguyễn Văn Tân - Quản lý Công ty cổ phần Thủy sản sạch Sóc Trăng cho biết: “Lúc đầu dự kiến thu hoạch là 1.600 tấn, nhưng trong vụ nuôi đầu tiên này đã thu hoạch được 1.800 tấn. Công ty nuôi 160 ao tròn nổi, còn lại là nuôi ao lót bạt đáy; nuôi theo 02 mô hình này thì khi tôm xuất hiện bệnh xả bỏ lượng nước cũ để thay vào lượng nước mới giúp ao nuôi sạch hơn, tình hình dịch bệnh vì vậy cũng xảy ra rất ít. Hơn 200 ao nhưng đến nay chỉ duy nhất 01 ao bị thiệt hại” .

    Hiện diện tích thả nuôi tôm trên toàn tỉnh đạt 25,6% so với kế hoạch và bằng 115,8% so với cùng kỳ. Nếu như cùng thời điểm này của năm 2020, diện tích thiệt hại trên tôm là hơn 600 hecta thì hiện nay, con số này giảm chỉ còn 242,8 hecta; trong đó thiệt hại do môi trường là 174,5 hecta, thiệt hại do dịch bệnh là 68,3 hecta. Hiện đã có 1.516 hecta được thu hoạch với sản lượng là 10.741 tấn. Theo dự báo khí tượng thủy văn, mùa mưa bắt đầu xuất hiện từ đầu tháng 5 dương lịch, lượng mưa trong mỗi đợt tương đối và kết thúc nhanh, hướng gió ổn định theo hướng Tây Nam; tình hình thời tiết này ít ảnh hưởng đến các yếu tố môi trường trong ao nuôi, là giai đoạn phù hợp cho tôm sinh trưởng và phát triển. Bên cạnh đó, tình hình COVID-19 gây ảnh hưởng đến sản xuất đối với một số nước trên thế giới khiến nguồn cung giảm đáng kể cũng là cơ hội tốt để con tôm Việt Nam rộng đường xuất khẩu sang một số nước khi nhu cầu tiêu dùng sau dịch bệnh nhiều dự báo sẽ tăng cao. Tất cả hội tụ đầy đủ những yếu tố “thiên thời, địa lợi”  để ngành tôm Sóc Trăng có cơ hội tạo nhiều “bứt phá” hơn trong những đợt nuôi tiếp theo; kỳ vọng đạt và vượt những chỉ tiêu đề ra trong kế hoạch năm 2021 là phấn đấu đạt diện tích 51.000 hecta, sản lượng tôm nuôi là 172.000 tấn. Thạc sĩ Quách Thị Thanh Bình - Phó Chi cục trưởng, Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng thông tin: “Để làm tốt những mục tiêu này, Chi cục Thủy sản sẽ tiếp tục tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát lại quy hoạch để bố trí rõ ràng vùng nào sản xuất chuyên tôm, vùng nào sát xuất tôm - lúa, vùng nào nuôi tôm hữu cơ… từ đó xây dựng những giải pháp phát triển nghề nuôi cho phù hợp, vừa bảo vệ môi trường sinh thái vừa phát triển bền vững trước tác động của biến đổi khí hậu. Tiếp tục truyên truyền vận động người dân tham gia vào các mô hình kinh tế tập thể như hợp tác xã/tổ hợp tác; đặc biệt các hộ tham gia phải là những hộ nuôi liền canh để thuận tiện hơn trong việc chuyển giao các mô hình nuôi cải tiến, vận dụng một cách đồng bộ các giải pháp khoa học kỹ thuật được chuyển giao. Điều quan trọng là nhân rộng các mô hình nuôi đạt chứng nhận sản xuất sạch như VietGAP, ASC để nâng cao chất lượng tôm nuôi, giúp con tôm Sóc Trăng không chỉ tiêu thụ tốt trong thị trường nội địa mà còn hướng đến mục tiêu xuất khẩu với sản lượng xuất khẩu lớn hơn...”  .

    Ngành chuyên môn cũng đặc biệt khuyến cáo người nuôi và doanh nghiệp cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn trong việc định hướng thị trường; thực hiện quy trình sản xuất sạch từ vùng nuôi đến nhà máy chế biến nhằm hạn chế những ảnh hưởng không mong muốn về chất lượng sản phẩm hay tình trạng “khủng hoảng thừa”.

Ngọc Thơ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 86
  • Hôm nay: 6378
  • Trong tuần: 73,698
  • Tất cả: 11,857,887